Những tháng đầu năm 2020, cao điểm của hạn hán và xâm ngập mặn, người dân miền sông nước Tây Nam Bộ phải đi xa mua nước ngọt với mức giá hoảng hồn, có nơi đến 150.000-200.000 đồng/m3, mức giá cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị. Đó là chuyện đang xảy ra ở một vùng sông nước mênh mông bao đời nay: Đồng bằng sông Cửu Long.
Mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ đã giảm đáng kể so với những năm trước. Hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt làm khó khăn chồng chất với đời sống người dân. Năm 2020 tình hình diễn ra nghiêm trọng hơn những năm trước nhiều. Hình ảnh từng nhóm người xếp hàng chờ hứng nước ngọt từ một vòi công cộng, hay kiên nhẫn vét nước có màu đùng đục ở các ao, hồ đã không còn quá xa lạ trên các phương tiện truyền thông.
Trên toàn cầu, hơn hai tỷ người sống ở các quốc gia chịu áp lực về thiếu nước. Các ước tính khác thậm chí còn bi quan hơn, với tới bốn tỷ người – hơn một nửa dân số trên hành tinh – đã phải đối mặt với áp lực thiếu nước nghiêm trọng trong ít nhất một tháng trong năm trong khi nửa tỷ người bị chịu cảnh thiếu nước vĩnh viễn. Khoảng 71% diện tích tưới tiêu trên thế giới và 47% các thành phố lớn gặp phải tình trạng thiếu nước định kỳ. Nếu xu hướng này tiếp tục, sự khan hiếm và các vấn đề về chất lượng nước liên quan sẽ dẫn đến sự cạnh tranh và xung đột giữa những người sử dụng nước.
Hiện nay, hầu hết nhà quản lý nước sử dụng các phương pháp tiếp cận theo hướng phản ứng và xử lý khủng hoảng để quản lý rủi ro hạn hán, dựa trên ba trụ cột chính:
- Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm
- Đánh giá tổn thương và tác động
- Các biện pháp giảm thiểu rủi ro hạn hán
Chính phủ Việt Nam vừa có Chỉ thị 04/CT-TTg yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, theo đó gồm 03 nhóm giải pháp chính là:
- Kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo chuyên ngành, đánh giá nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn
- Điều tiết, vận hành các hồ thủy điện, bảo đảm nguồn nước phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn
Trong các hướng tiếp cận của thế giới và các nhóm giải pháp trực tiếp cấp bách của Việt Nam thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống tự động hóa, các hệ thống giám sát vận hành các hồ chứa, theo dõi điều tiết kênh mương, lập lịch sử dụng nước cho các diện tích cây trồng theo mùa vụ, áp dụng kỹ thuật tưới xen kẽ… là những giải pháp quan trọng mang lại hiệu quả trong sử dụng nước tiết kiệm và khoa học.
Tổng hợp từ tuoitre.vn, www.unccd.int