Giải pháp hội nghị truyền hình

Hội nghị truyền hình (Video Conferencing) là hệ thống (bao gồm cả phần cứng và phần mềm) truyền tải hình ảnh và âm thanh giữa hai hoặc nhiều địa điểm từ xa kết nối qua đường truyền mạng Internet, WAN hay LAN, để đưa tín hiệu âm thanh và hình ảnh của các phòng họp đến với nhau như đang ngồi họp cùng một phòng họp; Thiết bị này cho phép hai hoặc nhiều địa điểm cùng đồng thời liên lạc hai chiều thông qua video và truyền âm thanh.

Hội nghị truyền hình cho phép tổ chức các cuộc họp trực tuyến giữa các văn phòng nhánh ở các cùng địa lý khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển đối với các thành viên ở xa.

Phân loại giải pháp hội nghị truyền hình

Trên thị trường hiện tại có khá nhiều nhà cung cấp các giải pháp hội nghị truyền hình khác nhau tuy nhiên trong đó có thể chia thành hai dạng giải pháp chính:

– Giải pháp hội nghị truyền hình phần cứng (giải pháp cứng) sử dụng các thiết bị tích hợp sẵn chuyên dụng cho mục đích hội nghị truyền hình có thể kể đến 1 số hãng thiết bị nổi tiếng như Polycom, Lifesize, Cisco, Sony, Tandberg, Radvision…

– Giải pháp hội nghị truyền hình phần mềm (giải pháp mềm) là hệ thống phần mềm cho phép cài đặt trên các nền tảng phần cứng tùy chọn để thiết lập hệ thống HNTH. Giải pháp có thể linh động triển khai đến các thiết bị đầu cuối như PC/ Laptop/ Tablet/Smartphone…

Hai hệ thống này có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Tuỳ vào nhu cầu và khả năng tài chính mà lựa chọn giải pháp hội nghị truyền hình phù hợp.

Các mức độ quy mô và hình thức của hội nghị truyền hình

Hiện hội nghị truyền hình được nghiên cứu và chia ra làm nhiều hình thức và mức độ quy mô khác nhau, theo đó các hình thức và mức độ quy mô này sẽ đáp ứng tốt nhất những nhu cầu sử dụng khác nhau của mọi người, trong mọi lĩnh vực

– Về mặt quy mô hội nghị truyền hình được phân loại gồm:

Hội nghị truyền hình cá nhân (personal)


Đây là dạng hội nghị truyền hình có quy mô nhỏ và thường sử dụng cho một người.

Thiết bị sử dụng có thể tích hợp từ ngay PC của cá nhân, hoặc có thể là Desktop hay Laptop. Cùng một software và các tài nguyên khác như: Webcam, Handphone.

Hội nghị truyền hình cho các văn phòng (Office Class)

Đây là dạng hội nghị truyền hình có quy mô từ nhỏ đến trung bình, thích hợp với các cuộc họp nhóm. Sử dụng cho các cơ quan doanh nghiệp có văn phòng đại diện trải trên diện rộng.

Thiết bị sử dụng là các dòng sản phẩm chuyên dụng dành cho hội nghị truyền hình.

Hội nghị truyền hình quy mô rộng (Classroom)

Đây là dạng hội nghị truyền hình chuyên dụng, thường phục vụ cho các hội nghị có quy mô lớn.

Những dòng sản phẩm này vô cùng đa dạng và có thể đáp ứng cho mọi nhu cầu của hội nghị truyền hình trong các lĩnh vực. Và thường được thiết kế đồng bộ với những thiết bị phụ trợ cho hội nghị truyền hình khác.

– Về mặt phương thức tương tác hội nghị truyền hình được phân loại gồm:

Hội nghị truyền hình điểm – điểm (point – to – point)

Đây là dạng hội nghị truyền hình rất phổ biến, với 2 điểm trực tiếp tham gia.

Quá trình kết nối của dạng hội nghị truyền hình này sẽ do một đầu chủ động quay số. Những thông số kết nối sẽ được quy định trước tại 2 đầu hoặc một đầu để đặt chế độ Auto Answer.

Hội nghị truyền hình điểm – đa điểm (point – to – Multi point)

Dạng hội nghị truyền hình này có nhiều điểm tham gia cùng một lúc. Trong đó, sẽ có một điểm giữ vai trò là trung tâm và giữ quyền chủ tọa.

Những điểm khác khi tham gia vào mạng thì được kiểm soát dưới sự quyền điểm chủ tọa.

Hội nghị truyền hình đa điểm (Multi point)

Đây là dạng hội nghị truyền hình có quy mô tổ chức khá phức tạp và ít nhất phải có nhiều hơn 3 điểm cùng tham gia.

Thiết bị sẽ gồm: MCU, Gatekeper, Gateway… sẽ đóng vai trò là trung tâm xử lý cho hội nghị truyền hình đa điểm.

Những yếu tố cần thiết cho một hệ thống HNTH

Để xây dựng được một hệ thống hội nghị truyền hình hoàn chỉnh, chất lượng cần rất nhiều yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, cơ bản sau phải đáp ứng được những yếu tố sau:

– Đường truyền

Hệ thống hội nghị truyền hình có thể sử dụng đường truyền mạng IP thuê riêng hoặc mạng Internet. Song yêu cầu băng thông đáp ứng cho mỗi mức độ chất lượng hình ảnh khác nhau là khác nhau.

Khi hội thảo với chất lượng video SD (Standard Definition): Băng thông tối thiểu cần tại mỗi điểm nhánh là 128 Kb/s, nhưng đối với cơ sở hạ tầng mạng tại Việt Nam đã chứng minh trong thực tế thì phải cần ít nhất đường truyền tại các nhánh là 384 Kb/s (Up Stream = Down Stream). Và băng thông thực khi hội thảo truyền hình cần = băng thông tối thiểu của hệ thống + 20%.

Khi hội thảo với chất lượng video HD 720p: Thì băng thông tối thiểu tại mỗi điểm nhánh cần 512 Kbps.

Để hội thảo với chất lượng video HD 1080p: Thì băng thông tối thiểu tại mỗi điểm nhánh cần 1024 Kbps.

Băng thông đường truyền tại site trung tâm phải bằng tổng băng thông tại các site nhánh tham gia

– Thiết bị

Thiết bị đầu cuối (VCS)

Là thiết bị có chức năng chính: thu nhận hình ảnh, âm thanh tại một điểm, rồi mã hoá chúng theo một phương thức nhất định để gửi đến đầu khác thông qua mạng truyền dẫn. Các thiết bị đầu cuối còn có cổng giao tiếp với máy tính (PC, Laptop) cho phép kết nối và trình chiếu các tài liệu từ máy tính của điểm đó tới các thiết bị đầu cuối đầu xa trong cùng một phiên làm việc. Thiết bị đầu cuối sử dụng màn hình TV, màn hình máy tính hoặc máy chiếu làm thiết bị hiển thị và có thể sử dụng bất kỳ hệ thống âm thanh nào có sẵn.

Với giải pháp mềm thì thiết bị đầu cuối có thể là máy tính cá nhân cài đặt phần mềm đầu cuối HNTH cùng các thiết bị ngoại vi như camera, microphone, speaker, TV… hoặc trong giải pháp mềm thì các thiết bị cá nhân như laptop/tablet/smartphone đều có thể thiết lập thành thiết bị đầu cuối HNTH.

Thiết bị điều khiển đa điểm(MCU)

Là thiết bị hỗ trợ, điều khiển hội nghị truyền hình đa điểm (Multipoint Control Unit – MCU), còn được gọi là “conferencing bridge” hay “conferencing server”. Thiết bị này sẽ cho phép nhiều hơn hai thiết bị đầu cuối (VCS) liên lạc với nhau, đồng thời giúp tạo thành hội nghị truyền hình đa điểm.

Chức năng chính của (MCU) là quản lý các tín hiệu điều khiển cuộc gọi, đàm phán các tham số trao đổi thông tin, xác định khả năng của các điểm đầu cuối đồng thời thực hiện việc trộn, chuyển mạch cũng như xử lý những luồng dữ liệu audio, dữ liệu video và data giữa các điểm hội nghị.

MCU được chia ra làm hai loại (tương ứng với phân loại sản phẩm giải pháp HNTH) gồm:

MCU cứng: Đây là giải pháp chuyên nghiệp gồm phần cứng (bộ xử lý trung tâm, giao diện mạng, bộ quản trị…) và phần mềm đi kèm tích hợp nhiều tính năng hổ trợ phong phú.

MCU mềm: Là giải pháp phần mềm dùng để cài đặt trên máy chủ, sử dụng giao diện mạng để quản lý và giao tiếp. Tích hợp với các ứng dụng trên các thiết bị di động như: laptop, tablet, Mobile…. sử dụng đường truyền internet, 3G, 4G để tạo nên những ưu điểm của giải pháp HNTH mềm như chúng ta đã biết.

Thiết bị hỗ trợ kết nối đa mạng Gateway

Gateway là thiết bị có chức năng chính giúp chuyển đổi tín hiệu, chuyển đồi giao thức giữa các đầu cuối VCS trong phạm vị một hội nghị đa giao thức mạng. Thiết bị Gateway có thể là thiết bị độc lập hoặc thiết bị được tích hợp với thiết bị MCU.

Gateway có chức năng chính là vai trò cầu nối trong quá trình kết nối giữa các mạng vật lý khác nhau nhằm phục vụ cho hội nghị truyền hình.

Gateway H.323 sẽ cho phép các thiết bị đầu cuối video trao đổi thông tin với các thiết bị đầu cuối video H.32x khác. Chẳng hạn như các thiết bị đầu cuối video H.320 và H.321.

Gateway video còn thực hiện việc chuyển đổi giữa các giao thức khác nhau, chuyển đổi các định dạng mã hoá âm thanh cùng các định dạng mã hoá video mà có thể được sử dụng bởi các tiêu chuẩn H.32x khác nhau.

Thiết bị cho phép ghi, lưu trữ và hỗ trợ streaming.

Là thiết bị cho phép ghi lại toàn bộ hình ảnh của các phiên làm việc và được lưu trữ tập trung, có giao diện web cho phép người sử dụng ở các đầu xa có thể lưu trữ, xem, viết nhận xét trên video đó. Hệ thống lưu trữ còn cho phép tích hợp với giải pháp NAS (NFS, CIFS/SM) để nâng cao dung lượng lưu trữ khi cần thiết.

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon