Khái niệm về Telemedicine

1. Khái niệm về Telemedicine

Telemedicine là một từ ghép với từ “tele” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ xa” và “medicine” (trong tiếng Latin là “mederi”) nghĩa là “điều trị”. Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm Telemedicine được dùng nhằm mô tả việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi, bảo hiểm y tế, giảng dạy, nghiên cứu…

Để chẩn đoán cho một bệnh nhân, bác sĩ cần thông tin về bệnh sử, các xét nghiệm như: xét nghiệm huyết học, sinh hoá, vi sinh, tế bào…, thông tin về chẩn đoán chức năng (điện tim ECG, điện não EEG, hô hấp…), thông tin về hình ảnh (X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp – CT scanner, cộng hưởng từ – MRI…). Hãy tưởng tượng, một bác sĩ đang ngồi trong phòng làm việc của mình khám cho một bệnh nhân từ xa –chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể nhận đầy đủ các thông tin về bệnh nhân- đó chính là những khả năng mà Y học Từ Xa(Telemedicine) mang lại.

Việc kết nối mạng các trung tâm y tế, bệnh viện giúp tăng cường khả năng khai thác tài nguyên chung trong lĩnh vực y tế: thiết bị, chuyên gia, dữ liệu…. Từ đó hình thành khả năng chẩn đoán hình ảnh từ xa (Teleradiology), tư vấn từ xa (Teleconsulting), hội chẩn từ xa (Telediagnostics, video-conferencing)… Những dịch vụ mở rộng trên nền tảng đó cho phép khi có nhu cầu -về nguyên tắc- bệnh nhân có thể được chăm sóc bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào – đó chính là tính ưu việt của Y học từ xa.

2. Các hệ thống thông tin y tế

Thông thường, các hệ thống thông tin y tế được phân thành một số loại như sau:

HIS-Hệ quản lý thông tin bệnh viện (HIS – Hospital Information System) dùng quản lý nhân sự, tài chính, quản lý bệnh nhân (như các thông tin về bệnh nhân nội, ngoại trú)… nói chung là quản lý mảng thông tin tổng quát trong đơn vị y tế. Mạng HIS là một công cụ để tối ưu hóa hệ thống, giảm chi phí đồng thời hỗ trợ việc kiểm soát địa bàn, hỗ trợ công tác dự báo, dự phòng có hiệu quả.

EHR/EMR- Hệ thống Bệnh án điện tử (Bản ghi sức khỏe điện tử)- (EHR – Electronic Health Record) tích hợp đầy đủ thông tin: kết quả xét nghiệm, Xquang, cộng hưởng từ, các phiếu chẩn đoán chức năng, nội soi, kết quả chẩn đoán chung và liệu trình điều trị… sẽ được quản lý bằng cơ sở dữ liệu, có khả năng tra cứu nhanh và chia sẻ tài nguyên nhằm phục vụ cho công tác điều trị và hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng, dịch tễ, tác dụng của thuốc…(Theo NAHIT -Liên minh Quốc gia về Công nghệ thông tin Y tế – EHR tổng quát hơn EMR).

PACS-Hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS – Picture Archiving and Communication System) lưu trữ, xử lý, khai thác cơ sở dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, truyền hình ảnh động và các dữ liệu khác từ những thiết bị chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, Xquang, CT scanner, cộng hưởng từ hạt nhân… Các lĩnh vực ứng dụng nhiều nhất của PACS là Xquang từ xa (Teleradiology), bệnh lý học (Telepathology), chẩn đoán hình ảnh (Telemedical Imaging) và khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe tại nhà (Tele-home Health Care).

Các mạng HIS và PACS của các cơ sở y tế, khi được nối liên mạng dựa trên công nghệ đường truyền tốc độ cao, sẽ tạo ra liên kết theo vùng địa lý hoặc chuyên ngành, xóa bỏ được hạn chế về mặt không gian, đặc biệt ở những khu vực địa lý phức tạp, thiếu chuyên ngành. Ưu việt của telemedicine là chuyển tải thông tin nhanh, vì thế hỗ trợ điều trị bằng phương pháp mới nhất tại tuyến y tế cơ sở.

Bệnh nhân có thể sử dụng telemedicine để được tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và có thể giữ liên hệ thường xuyên với trung tâm y tế, bệnh viện thông qua thiết bị công nghệ thông tin (điện thoại cầm tay, Ipad,  máy tính cá nhân…).

3. Các lĩnh vực ứng dụng của Telemedicine

Đối với công tác chăm sóc y tế vùng nông thôn

Một trong những thách thức lớn nhất trong y tế nông thôn là khả năng bệnh nhân nhận được chăm sóc của bác sĩ khi cần và bất cứ ở đâu. Điều này là khó khăn cho các cơ sở y tế nông thôn xa xôi, vì họ thường không đủ khả năng thu hút đội ngũ chuyên môn giỏi. Y học từ xa giúp giải quyết những vấn đề này bằng cách cho phép tiếp cận các chuyên gia mà không phụ thuộc khoảng cách địa lý. Điều này được thực hiện bằng các giải pháp thăm khám qua phiên truyền hình trực tiếp hoặc lưu trữ và chuyển tiếp các kết quả, hoặc kết hợp cả hai. Với y học từ xa, bác sĩ từ một nơi có thể “nhìn thấy” bệnh nhân từ nơi khác bằng cách sử dụng công nghệ thông tin liên lạc và các thiết bị y tế đặc biệt. Các chuyên gia có thể kiểm tra các bệnh nhân, xem xét các dấu hiệu quan trọng và lịch sử bệnh án, đưa ra các đánh giá, chẩn đoán và điều trị. Thông thường, việc điều trị có thể được tiến hành ngay tại địa phương. Điều này giảm thiểu hoặc loại bỏ nhu cầu đi lại cho bệnh nhân hoặc chuyên gia. Y học từ xa cũng giúp các cơ sở nông thôn đào tạo tại chỗ các bác sĩ lâm sàng bởi vì y học từ xa cho phép tiến hành đào tạo qua tích lũy kinh nghiệm trong công việc và tham gia từ xa các phiên hội chẩn quy mô lớn.

Đối với Quân y

Việc đảm bảo khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sỹ trong quân đội là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Với nhiệm vụ đặc biệt là canh giữ, bảo vệ tổ quốc, các đơn vị quân đội thường hay cơ động hoặc đóng quân tại các vùng xa các khu dân cư, đặc biệt là các vùng biên cương hải đảo. Với những nơi đóng quân xa các bệnh viện lớn, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh, điều trị cho chiến sĩ kịp thời tại Quân y đơn vị là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, Quân y tại các đơn vị thường không có đủ các bác sỹ chuyên khoa giỏi để chẩn đoán hoặc tiến hành ca mổ cấp cứu. Telemedicine giúp cho Quân y tại đơn vị nhận được sự tư vấn, chỉ dẫn kịp thời từ các bác sỹ chuyên khoa cao cấp ở các bệnh viện trung ương để đánh giá đúng tình trạng bệnh nhân, làm cơ sở để Quân y tại đơn vị đưa ra các quyết định phác đồ điều trị cho bệnh nhân, tiến hành  mổ khẩn cấp với sự hỗ trợ từ xa  hoặc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Đối với Y tế của các nước đang phát triển

Y học từ xa cho phép triển khai nhanh chóng việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân các nước đang phát triển mặc dù có các  trạm y tế chi phí tương đối thấp. Thay vì xây dựng và tổ chức đội ngũ đông đảo nhân viên y tế và trang bị với số lượng lớn các thiết bị y tế phức tạp, y học từ xa cho phép các trạm y tế cơ sở chia sẻ chuyên môn với các bác sĩ lâm sàng và các chuyên gia lâm sàng ở Trung ương hoặc ở xa.  Việc chẩn trị sẽ được cung cấp kịp thời khi có nhu cầu. Điều này thay đổi cơ bản chiến lược cung cấp chăm sóc y tế của một nước đang phát triển. Nó làm tăng tốc độ triển khai việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân với chi phí chỉ chiếm một phần nhỏ so với chiến lược phát triển truyền thống.

Đối với Trạm y tế lưu động

Y học từ xa cho phép các đơn vị y tế lưu động kết nối với các chuyên gia y tế cho dù các đơn vị y tế lưu động hoặc các chuyên gia đang ở xa nhau. Các đơn vị y tế di động có thể phục vụ tốt cộng đồng, trong trường hợp khó khăn hoặc có ý kiến cần tham khảo, tư vấn ý kiến của chuyên gia thì đề nghị chuyên gia từ xa đọc và phân tích X-quang, hỗ trợ chẩn đoán, tư vấn điều trị…, đảm bảo rằng bệnh nhân địa phương nhận được các chăm sóc thích hợp.

Đối với công tác chăm sóc y tế trên biển đảo,  trong lĩnh vực cứu trợ thảm họa thiên tai; Chăm sóc y tế trong khu Công nghiệp; chăm sóc y tế  trong nhà trường; Chăm sóc y tế  trong lĩnh vực Giao thông Vận tải …

Trong các lĩnh vực nêu trên, Y học từ xa cho ta khả năng kết nối với các chuyên gia y tế hàng đầu để có các hỗ trợ chẩn đoán, tư vấn điều trị…, đảm bảo rằng bệnh nhân – dù bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào- đều có thể  nhận được các chăm sóc y tế thích hợp nhất.

4. Ứng dụng Telemedicine tại Việt Nam

Telemedicine lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam vào khoảng thập niên 90. Vào tháng 12/1998, TS. Michael Ricci (Burlington, VT, Washington, D.C. Hoa Kỳ) đã thực hiện việc khám 1 bệnh nhân ở Việt Nam (Hà Nội) thông qua hệ thống ISDN. Chương trình này nằm trong dự án đầu tiên triển khai telemedicine, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ và sinh viên của Việt Nam (03 bệnh viện Trung ương ở Hà Nội và Trường Đại học Y Hà Nội) được biết đến nền y học tiên tiến thông qua việc trao đổi với các bác sĩ ở Hoa Kỳ và hội chẩn ca bệnh bằng sử dụng đường truyền ISDN có kết hợp của hệ thống truyền hình trực tuyến (Video conferencing) ở Việt Nam.

Từ năm 2000, Bộ quốc phòng đã có triển khai thử nghiệm Dự án “Y Học Từ Xa” , các thành viên tham gia dự án là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) và Quân y viện 175 (Thành phố Hồ Chí Minh). Tại mỗi bệnh viện thiết lập một mạng LAN kết nối 2 máy chẩn đoán hình ảnh chủ yếu là CT scanner và siêu âm.

Năm 2004, một hội thảo quốc tế về khám và điều trị từ xa được tổ chức tại Công viên phần mềm Quang Trung. Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã tới dự và chỉ đạo

Ngày 5/5/2005, qua cầu truyền hình trực tiếp, Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) đã trực tiếp thực hiện thành công một ca phẫu thuật dưới sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Ngày 27/2/2006, các chuyên gia của Viện tim mạch Việt Nam đã thực hiện cầu truyền hình trực tuyến với Singapore trong cuộc phẫu thuật can thiệp tim mạch.

Từ năm 2003 đến năm 2007: Triển khai Dự án bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Việt Đức gồm 6 bệnh viện là Việt Tiệp (Hải Phòng), Sơn Tây, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa nhằm cấp cứu người bệnh kịp thời, giảm bớt tình trạng quá tải của Bệnh viện Việt Đức.

Nhiều đơn vị, công ty của Việt Nam đang xây dựng và đưa vào ứng dụng  các sản phẩm phần mềm trong lĩnh vực chăm sóc y tế như: Hệ thống thông tin và lưu trữ hình ảnh PACS, Hệ thống Bệnh án điện tử EMR; Hệ thống thông tin bệnh viện – HIS; Hệ thống thông tin Xquang – RIS, Hệ thống thông tin dược phẩm – PhIS, v.v…

Việc triển khai ứng dụng telemedicine tại Việt Nam mới chỉ là những bước đi ban đầu, kết quả đạt được tuy đã chứng tỏ được lợi ích nhưng cũng bộc lộ những thách thức trong việc triển khai telemedicine.Chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn và nhiều việc phải làm.

Từ năm 2010 – : BQP đã triển khai Dự án ”Chuẩn hoá qui trình khám chữa bệnh, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu y tế quân đội và hệ thống y học từ xa giữa các bệnh viện quân đội”;

Đến giữa năm  2013: BQP đã thiết lập và đưa vào sử dụng mạng telemedicine “xương sống”  (chuẩn hình ảnh lên đến full HD) gồm 4 điểm: Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội), Bệnh viện 175 (Tp Hồ Chí Minh), Bệnh viện 211 (Tây Nguyên), Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, với điểm trung tâm đặt tại Hà Nội; Đến cuối 2013, mạng mở rộng đến Bệnh viện 103 (Hà Nội), Bệnh viện 121 (Cần Thơ) và Bệnh viện 87 (Khánh Hòa); Giai đoạn tiếp theo, mạng sẽ nối đến tất cả các bệnh viện còn lại của quân đội.

Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 của Bộ Y tế

Tháng 5 năm 2012, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị quốc gia về ứng dụng CNTT ngành Y tế lần thứ 6. Tại Hội nghị đã có tổng kết về hiện trạng CNTT Y tế và dự kiến kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2011-2015.

Hiện trạng 2011, các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đã hình thành hệ thống tổ chức chuyên trách công nghệ thông tin. Các bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt đã thành lập phòng công nghệ thông tin (90%), các đơn vị khác đã có bộ phận, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đảm bảo thành công cho triển khai ứng dụng CNTT tại đơn vị.

Về Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin:

–    Ngành y tế chưa xây dựng được mạng WAN kết nối đến các cơ sở y tế.

–    Tại các cơ quan Bộ Y tế: Đã có trung tâm tích hợp dữ liệu; 100% đơn vị kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao; 100% cán bộ, công chức được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính trong công việc; 20% cán bộ, công chức được cấp địa chỉ ail.moh.gov.vn và sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống để cấp tiếp thời gian tới.

–    Các đơn vị trực thuộc Bộ: 100% đơn vị có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao; 74% cán bộ y tế sử dụng máy tính thông thạo trong công việc, 58% có hệ thống Email riêng và 43% có hệ thống bảo mật, 53% có hệ thống backup dữ liệu

–     Sở Y tế: 100% có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao, 16% có hệ thống Email riêng, 26% có hệ thống bảo mật và 24% có hệ thống lưu trữ dữ liệu.

Về Y tế từ xa

Tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đối với y tế từ xa hiện còn hạn chế do chưa có văn bản hướng dẫn cho hoạt động này. Tuy nhiên song song việc ban hành hướng dẫn hoạt động y tế trên môi trường mạng, các nhiệm vụ/dự án y tế từ xa cũng đang thí điểm triển khai và đạt được những kết quả ban đầu, cụ thể như:

–   Dự án quy mô quốc gia về xây dựng dịch vụ tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa nằm trong chương trình 1605 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang được Bộ Y tế giao Vụ Khoa học và Đào tạo, Cục quản lý khám, chữa bệnh triển khai xây dựng

–   Ở một số bệnh viện tuyến trung ương đã hình thành bệnh viện vệ tinh có hệ thống y tế từ xa như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai phục vụ cho tư vấn y tế giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới góp phần giảm tải bệnh viện

–   Đang triển khai dự án về cung cấp thông tin y tế trên cổng thông tin cho nhân dân tỉnh Hòa bình bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản từ dự án do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì

–    Dịch vụ tư vấn qua điện thoại: Hệ thống tái khám của BV Bạch Mai, hệ thống mHealth thí điểm của Viện Công nghệ thông tin – Thư viện Y học TƯ.

Dự định kế hoạch tiếp theo

Về Hạ tầng kỹ thuât:

–    Đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm phần cứng, phần mềm cho việc trao đổi thông tin thông suốt, an toàn, bảo mật trong cơ quan Bộ Y tế, các đơn vị tuyến trung ương, Sở y tế và giữa các đơn vị với nhau, đáp ứng yêu cầu cơ bản phục vụ nhân dân.

–    Đảm bảo đủ trang thiết bị CNTT-truyền thông phục vụ yêu cầu cơ bản ở tất cả các đơn vị y tế từ tuyến huyện trở lên.

–    Đến năm 2012, có 90% dịch vụ hành chính công trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế và 60% trên website Sở y tế được thực hiện trực tuyến mức độ 3 trở lên, số còn lại ở mức độ 2.

–    100% đơn vị trực thuộc sở và Sở y tế có website và hệ thống email phục vụ cung cấp và trao đổi thông tin thông suốt.

–    Đảm bảo có đơn vị, bộ phận chuyên trách CNTT-TT tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, có đủ nguồn nhân lực CNTT – TT tại các bệnh viện

–   Triển khai Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức công nghệ thông tin ngành y tế giai đoạn năm 2010 đến năm 2015 theo Quyết định 1191/QĐ-BYT ngày 14/4/2010.

Tạo tiền đề để phát triển Y tế từ xa (Telemedicine)

–   Xây dựng cơ sở dữ liệu y tế quốc gia: Phục vụ cho việc quản lý điều hành của Bộ Y tế với các đơn vị trực thuộc và các Sở y tế. Trên cơ sở tích hợp các CSDL thành phần đảm bảo thông tin thông suốt gữa các tuyến khám chữa bệnh, y tế dự phòng, môi trường, đào tạo và vật tư trang thiết bị y tế nhằm tăng cường tính bền vững đồng thời là cơ sở tốt cho khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo;

–   Xây dựng chuẩn trao đổi thông tin điện tử y tế, chuẩn quy trình hoạt động y tế có ứng dụng CNTT và các chuẩn về CNTT sử dụng trong ngành y tế;

–   Xây dựng dịch vụ tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa;

–   Xây dựng bệnh án điện tử và hệ thống quản lý khám chữa bệnh;

–   Xây dựng các tiêu chuẩn thông tin y tế phục vụ cho việc trao đổi và chia sẻ thông tin trong y tế trong nước và hướng tới chia sẻ và trao đổi dữ liệu với các bệnh viện trên thế giới trong tương lai;

–   Kết nối mạng WAN ngành Y tế – một trong những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, tính ổn định, bảo mật và bền vững cao trong ngành đặc thù liên quan đến tính mạng con người;

–   Xây dựng và nâng cấp mạng LAN tại các bệnh viện và các cơ sở y tế khác nhằm chuẩn bị cho việc chia sẻ trao đổi thông tin nội bộ…

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon